Theo quy định tại khoản 1 điều 62, Luật xây dựng, “trước khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng các công trình sau đây:
a) Công trình thuộc bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm phục vụ xây dựng công trình chính;
b) Công trình xây dựng theo tuyến không đi qua đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô nhỏ thuộc các xã vùng sâu, vùng xa;
d) Nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung, điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt;
đ) Các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình".
Như vậy, đối với tất cả các công trình xây dựng không thuộc các trường hợp trên, chủ đầu tư xây dựng công trình phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng công trình.
Trường hợp của gia đình bạn nếu chỉ là “sửa chữa, cải tạo, lắp đặt các thiết bị bên trong không làm thay đổi đến kiến trúc, kết cầu chịu lực và an toàn của công trình” theo mục đ, khoản 1, điều 61 nêu trên thì không cần xin giấy phép xây dựng.
Tùy theo tính chất, quy mô công trình, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm những tài liệu chủ yếu quy định tại điều 63, Luật xây dựng.
Theo điều 20 và điều 21 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12-2-2009 của Chính phủ về quản lý dự án xây dựng công trình và Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở đô thị và nhà ở nông thôn được quy định:
1. Đơn xin cấp giấy phép xây dựng theo mẫu;
2. Bản sao một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
3. Bản vẽ thiết kế thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, các mặt đứng chính; mặt bằng móng của công trình; sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình; sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải.
Riêng đối với công trình sửa chữa, cải tạo yêu cầu phải có giấy phép xây dựng thì phải có ảnh chụp hiện trạng công trình.
Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở nông thôn gồm:
1. Đơn xin cấp giấy phép xây dựng theo mẫu;
2. Bản sao một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
3. Sơ đồ mặt bằng xây dựng công trình trên lô đất và các công trình liền kề nếu có do chủ nhà ở đó tự vẽ.
Theo những quy định trên, giấy tờ về quyền sử dụng đất là tài liệu bắt buộc cần phải có để được cấp giấy phép xây dựng. Theo pháp luật về đất đai, những giấy tờ về quyền sử dụng đất có thể hiểu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp hoặc các loại giấy tờ khác của người sử dụng đất được Nhà nước thừa nhận tại các điều 49, điều 50, điều 51 Luật đất đai.
Điều 66 Luật xây dựng quy định thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng như sau:
1. UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng có quy mô lớn, công trình có kiến trúc đặc thù, công trình tôn giáo và các công trình xây dựng khác thuộc địa giới hành chính do mình quản lý theo quy định của Chính phủ.
2. UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trong đô thị, các trung tâm cụm xã thuộc địa giới hành chính do mình quản lý, trừ các công trình xây dựng quy định tại khoản 1 điều này.
3. UBND cấp xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt, những điểm dân cư theo quy định của UBND cấp huyện phải cấp giấy phép xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý."
Cũng theo quy định tại điều 10, Luật xây dựng quy định “mọi hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng công trình không đúng với giấy phép được cấp đối với công trình theo quy định phải có giấy phép đều là những hành vi bị cấm và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Bạn nên đối chiếu với một số quy định pháp luật chúng tôi nêu trên để liên hệ cơ quan cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
sửa chữa, sau đó, đồng ý, trong khi, giải quyết, như vậy, tình trạng, phát sinh, tiêu cực, phần nào, chấp hành
Ý kiến bạn đọc